Đối với công chúng, “Nàng tiên cá Fiji” là một huyền thoại trong truyền thuyết, đối với giới báo chí đó là một vố chơi khăm thế kỷ mà ngay chính họ cũng bị xỏ mũi. Đối với bầu sô Barnum đó là một thương vụ thành công trên cả mong đợi, một bài học kinh điển về cách dẩn dắt hiệu ứng đám đông dành cho các nhà quảng bá truyền thông và quảng cáo. Hơn nữa, đằng sau nó còn có một câu chuyện đầy bi kịch của người đầu tiên tạo ra huyền thoại Nàng tiên cá Fiji” và số phận “ba chìm bảy nổi” của một mẫu vật kỳ lạ có nguồn gốc từ … Nhật Bản.
Người cá Fiji năm 1842
Tháng Bảy, năm 1842, một quý ông người Anh tự xưng là “Tiến sĩ J. Griffin”, thành viên của Thư viện Lịch sử Tự nhiên Anh Quốc, đã mang một sự kiện kinh thiên động địa đến thành phố New York, gây xôn xao trong giới khoa học và dân chúng, đó là một mẫu vật người cá con nguyên vẹn, bắt được tại quần đảo Fiji (FeeJee) thuộc vùng biển Nam Thái Bình Dương. Khỏi phải nói, sự kiện này đã khuấy động giới báo chí như thế nào suốt mùa hè năm đó, sau khi nhận được một bức thư từ miền Nam mô tả sinh vật huyền thoại như những gì “ngài tiến sĩ” công bố.
Tờ rơi quảng cáo “Nàng tiên cá FeeJee” của Barnum
Ảnh minh họa “Nàng tiên cá FeeJee” trên báo chí lúc đó
Các phóng viên chầu chực tại sảnh khách sạn của "ngài tiến sĩ” để đề nghị được tận mắt nhìn thấy chứng cứ xác thật, với sự đồng ý miễn cưỡng, cuối cùng họ đã nhìn thấy mẫu vật xác ướp “nàng tiên cá” như được mô phỏng trước đó và hoàn toàn bị thuyết phục.
Ngay sau đó, một bầu show có tên P.T. Barnum, bỗng xuất hiện tại văn phòng các tờ báo lớn công bố rằng ông đang thuyết phục “Tiến sĩ J. Griffin” cho phép trưng bày mẫu sinh vật người cá tại bảo tàng cá nhân của ông ta. Tuy nhiên vị tiến sĩ đã không từ chối lời đề nghị này. Vì thế Barnum đã phát cho không các tờ rơi quảng cáo mà ông ta đã chuẩn bị từ trước vì không còn sử dụng được nữa. Tuy nhiên, báo chí lại nhầm tưởng đó là một vụ đăng tin độc quyền, thế nên sáng ngày 17 tháng Bảy, toàn bộ báo chí thành phố đều đăng tải mẫu quảng cáo và Barnum cũng phân phối hàng vạn cuốn sách nhỏ nói về một nàng tiên cá xinh đẹp của đại dương.
Hình ảnh nàng tiên cá trong dân gian là một cô gái xinh đẹp.
John William Waterhouse, “A Mermaid” (1901)
|
“Chúng ra đã nhìn thấy nó, một người cá không thể tin được, thứ quái này ở đâu ra? là loài gì vậy? Một cô nàng song sinh kỳ quặc hơn những gì chúng ta đã tưởng tượng – nửa cá, nửa người, thứ quái dị nhất trên trái đất mà đại dương đã sản sinh” (The New York Sun, 5/8/ 1842.)
Sau một tuần được trưng bày tại phòng hòa nhạc, ngài tiến sĩ đã đồng ý lưu nàng tiên cá ở New York lâu hơn nữa. Vì vậy nó được chuyển đến trưng bày trong 1 tháng tại bảo tàng Barnum’s American Museum, mà không phải trả thêm phí phụ thu. Dù vậy, số vé thăm quan bảo tàng được bán ra đã tăng gấp 3 lần so với bình thường.
Trò chơi khăm
Trong cuốn tự truyện của Barnum sau này, ông ta đã thú nhận đây chỉ là một trò chơi khăm đối với công chúng không chỉ một mà đến ba lần. Trong cuốn sách nhỏ của Barnum trước đó mô tả nàng tiên cá là một sinh vật có nữa phần trên là cơ thể của một cô gái trẻ đẹp, trên thực tế cái xác không khác gì một con khỉ khô được gắn vào một cái đuôi cá. Một phóng viên đến từ Charleston Courier viết “một ám chỉ (không dám khẳng định) … lộ diện của kỳ quan này đã đánh cắp của chúng ta mãi mãi – chúng ta sẽ không bao giờ còn được nghe kể, trong thơ ca, hay ngay trong cả giấc mơ về một nàng tiên cá quyến rủ xinh đẹp“. Trong tự truyện của Barnum cũng mô tả “nàng tiên cá” như sau: “một mẫu vật xấu xí, khô, đen nhỏ bé..cánh tay nó vung lên trời cho thấy sự đau đớn tuyệt vọng lúc chết“.
Cũng trong cuốn tự truyện này, Barnum tự biết ‘nàng tiên cá’ chính là đồ giả từ lâu. Ông ta thuê nó từ một bầu sô khác ở Boston tên là Moses Kimball (ông này cho biết mua lại nó từ một thủy thủ). Tuy vậy để chắc chắn nhận định của mình, ông đã tìm đến tư vấn với một nhà tự nhiên học, và ông này khẳng định đây hoàn toàn là đồ giả tạo. Tuy nhiên, Barnum cho rằng không quan trọng đó là thứ ngụy tạo hay đồ thật, điều cốt yếu đây là thứ mà ông có thể dẫn dắt công chúng để họ tin rằng nàng tiên cá là có thật. Chính vì thế, Barnum đã thuê một nhà tự nhiên học đóng vai “Tiến sĩ J. Griffin” để xác thực về sinh vật này, tung ra các hình ảnh “nàng tiên cá” ngực trần lên báo chí tạo hiệu ứng đám đông háo hức muốn nhìn tận mắt nhân vật chỉ có trong huyền thoại. Như trong tự truyện của Barnum, A.H Saxon đã viết, “người cá FeeJee” là một ví dụ điển hình về khả năng của Barnum trong việc biến một nhân vật thú vị mơ hồ trong truyền thuyết thành một sự kiện kinh thiên động địa chỉ qua một đêm.
Nhưng hình ảnh thật sự sẽ làm tan biến tất cả các giấc mơ về nàng tiên cá của công chúng
Người cá FeeJee đến từ đâu?
Thú nhận trong tự truyện, Barnum đã nói không tự tạo ra sinh vật này, ông thuê nó từ một bầu sô khác, đó là Moses Kimball. Trong thực tế, “người cá FeeJee” có một lịch sử đầy màu sắc trước khi trở thành một mẫu vật nổi tiếng trong trò chơi khăm thế kỷ của Barnum.
Năm 1822, một bản vẽ minh họa của thuyền trưởng Eades mô tả về nghệ thuật truyền thống của ngư dân Nhật Bản và Đông Ấn dưới hình thức khâu cơ thể của một con khỉ vào thân một con cá, được sử dụng trong các nghi lể tôn giáo. “Người cá FeeJee” được cho rằng chính là mẫu vật được tạo ra bởi một ngư dân Nhật Bản vào năm 1810. Một thương nhân Hà Lan sau đó đã mua nó vào năm 1822 và bán lại cho một thuyền trưởng người Mỹ tên là Samuel Barrete Eades với giá $6000 (một số tiền cực lớn) vào thời điểm đó. Eades thậm chí phải bán cả tàu của mình mới đủ khả năng rước “nàng tiên cá” về với mình với hy vọng sẽ kiếm được số tiền kếch sù nếu trưng bày nó ở London. (Tuy nhiên Eades không sở hữu toàn bộ con tàu, điều này gây ra các rắc rối cho ông ta về sau).
Minh họa về Nàng tiên cá được làm tại Nhật Bản
Tháng Chín, năm 1822. Eades đã đến London cùng với “nàng tiên cá” của mình, và đúng như ông dự đoán, nó đã thu hút số đông dân chúng, nhưng điều quan trọng nhất lại nằm ngoài các tính toán, nó không đem lại “mỏ vàng” như ông dự kiến mà thậm chí làm cho ông phá sản. Eades đã không có thứ mà Barnum được hưởng sau này. Điều bất lợi đầu tiên là các nhà tự nhiên tại Anh sớm làm đổ bể kế hoạch của Eades, khi vạch trần món hàng giả này trên báo chí, làm giảm mối quan tâm của công chúng lúc đó. Họa vô đơn chí, Eades cùng lúc đó nhận được đơn kiện của chủ con tàu. Trát tòa ra lệnh Eades phải hoàn trả số tiền còn nợ cho đồng sở hữu con tàu đã bán. Eades đã phải lênh đênh trên biển 20 năm sau đó để kiếm tiền trả nợ. Tuy nhiên, chuyện đó chẳng bao giờ thành hiện thực. Khi Eades chết, mẫu vật “nàng tiên cá” được để lại con trai ông, ngay lập tức anh này bán lại ngay cho bầu show Moese Kimball chỉ bằng một số tiền nhỏ so với khoảng phí mà cha anh đã tiêu tốn cả một gia tài.
“Nàng tiên cá FeeJee” giờ ở đâu?
Sau khi được trưng bày tại bảo tàng của Barnum trong một tháng, ông quyết định làm một tour triển lãm cho nó đến tận các bang miền Nam. Thương vụ này được giao cho chú ông, Alanso Taylor đảm trách. Những tưởng sẽ kiếm thêm được từ món bỡ, tuy nhiên những sự cố đã xảy ra ngoài dự kiến. Khi “Nàng tiên cá FeeJee” đặt chân đến Nam Carolina, nó vô tình lọt vào tâm điểm của cuộc “ném đá” qua lại giữa hai tờ báo địa phương có mối thù truyền kiếp, đó là tờ Courier Charleston và Charleston Mercury.
Sự việc bắt đầu từ biên tập viên Richard Yeadon của tờ Courier Charleston với đánh giá của mình cho rằng “nàng tiên cá” là một sinh vật có thật. Đồng thời một nhà tự nhiên học nghiệp dư tại địa phương, Rev. John Bachman đã có một bài bình luận trên tờ Mercury trong đó ông tuyên bố “nàng tiên cá” chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của “ông hàng xóm miền Nam chúng ta”. Hai ý kiến trái chiều nhanh chóng leo thang trở thành một cuộc tranh luận gay gắt. Đó cũng là nguyên nhân kết thúc chuyến đi ngắn ngày của “nàng tiên cá FeeJee“, nàng được bí mật vận chuyển trở lại New York.
Hai mươi năm sau đó “nàng tiên cá FeeJee” được luân chuyển trưng bày giữa hai bảo tàng Barnum ở New York và Kimball tại Boston. Cuộc phiêu lưu xa nhất của nàng, đó là chuyển du lịch trình diễn tại London. Sau chuyến đi này, nàng trở lại bảo tàng của Kimball, và đó cũng là nơi kết thúc sự nghiệp của mẫu vật huyền thoại này.
Có nhiều lời đồn đãi “nàng tiên cá FeeJee” đã bị Barnum tiêu hủy vào năm 1865. Nhưng dường như đó không phải là sự thật, vì người ta vẫn thấy “nàng” tại bảo tàng Boston Kimball vào thời điểm đó. Nhiều khả năng là “nàng” đã bị hủy diệt mãi mãi vào đầu thập niên 1880 khi bảo tàng Kimball thiêu hủy một số mẫu vật không còn giá trị.
Ngày nay, một số hình ảnh tương tự “nàng tiên cá FeeJee” vẫn còn đầy dẫy trên các kết quả tìm kiếm, thậm chí một số báo chí còn viết bài gây ảo tưởng đây là các mẩu vật có thật. Tuy nhiên đó chỉ là một câu chuyện kéo dài từ sự kiện được tạo ra từ Barnum, tay bầu sô thiên tài của thế kỷ.
Phineas Taylor Barnum. photo by Mathew Brady, c.1860
Một đoạn video từng gây xôn xao dư luận vào tháng 3/2013, nó được trình chiếu trên Animal Planet. Cảnh nàng tiên cá được cho là xuất hiện tại bờ biển Kiryat Yam, Israel. Tuy nhiên theo xác nhận sau này, đây chỉ là một sự sắp đặt ngụy tạo.
Phim giả tưởng về “nàng tiên cá” của Animal Planet
Những hình vẽ trong hang động của người cổ đại mô tả “người cá”
Các hình ảnh giả về nàng tiên cá
Nguồn: mystown.com