Dưới chính thể Xôviết trước đây, nhờ làm tốt công tác trật tự trị an nên dạng tội phạm giết người hàng loạt hầu như không có. Duy nhất chỉ có trường hợp của tên sát nhân người Ukraina Andrei Chikatilo, được coi là "vụ án nổi cộm" trong lịch sử điều tra hình sự Liên Xô.
ANDREI CHIKATILO sinh ngày 16/10/1936 tại làng Iablonchnoe thuộc Ukraina. Vốn học giỏi trong trường phổ thông, nhưng Andrei đã bị trượt trong kỳ thi vào Trường đại học Tổng hợp Moskva. Sau khi rớt đại học, Andrei tham gia nghĩa vụ quân sự như mọi thanh niên cùng trang lứa khác. Đầu năm 1960, Andrei giải ngũ và làm việc tại thành phố Rodionovo-Nesvetaevski với vai trò kỹ thuật viên điện thoại. Giữa năm 1963, Andrei cưới vợ và lần lượt sinh được hai cô con gái.
Trong năm 1971, Andrei Chikatilo nhận được Chứng chỉ sư phạm sau khi hoàn thành khóa học hàm thụ về văn học. Sau đó, Andrei đi dạy học ở Novosakhtinsk, nhưng liên tục bị kỷ luật phải thuyên chuyển hết trường này qua trường khác vì các hành vi bạo lực, nhất là sau giai đoạn bà mẹ qua đời vào cuối năm 1973.
Năm 1978, Chikatilo chuyển đến thành phố Sakhi thuộc tỉnh Rostov và thực hiện tội ác đầu tiên. Ngày 22/12/1978, hắn cưỡng hiếp rồi thủ tiêu bé gái 9 tuổi Elena Zakotnova. Tuy có bằng chứng thể hiện mối liên quan giữa Chikatilo với vụ án mạng, nhưng người ta đã bắt nhầm "hung thủ" Aleksander Kravchenko. Chikatilo bị sa thải khỏi ngành sư phạm vào đầu năm 1981. Năm 1982, hắn ra tay thực hiện tới 7 vụ án mạng liên tiếp. Thủ đoạn của tên giết người hàng loạt này là lân la làm quen các nạn nhân tại nhà ga hay bến tàu, rồi rủ rê vào một cánh rừng gần đó "dạo chơi" để dễ bề trừ khử họ.
Nửa năm sau đó, hắn sử dụng chiêu bài "án binh bất động". Nhưng đột nhiên chỉ trong vòng ba tháng từ tháng 6 đến tháng 9/1983 có thêm 4 nạn nhân nữa bị giết chết. Sự việc đã đến hồi nghiêm trọng khiến Bộ Nội vụ Liên Xô quyết định thành lập chuyên án điều tra. Một toán công tác đặc biệt do Thiếu tá Mikhail Fetisov lãnh đạo được tức tốc phái tới Rostov. Công tác tập trung rà soát các khu vực quanh Sakhi do M.Fetisov dày dạn kinh nghiệm trực tiếp chỉ đạo; còn việc thẩm vấn các nghi can và gặp gỡ nhân chứng do Chánh thanh tra pháp y Victor Burakov tiến hành. Cả thảy 6 cái xác trong số nạn nhân mất tích đã được tìm ra. Đồng thời hơn 150 nghìn người đã được phỏng vấn nhằm thanh lọc đối tượng, cuối cùng thì chân tướng thủ phạm đã được xác định.
Năm 1984, lại có thêm 1 nạn nhân nữa, nâng tổng số nạn nhân lên 15 người. Các đội tuần tra được ráo riết tăng cường tại các trạm giao thông công cộng. Cuối cùng, Andrei Chikatilo đã bị các điều tra viên bắt giữ khi có biểu hiện đáng ngờ tại một nhà chờ xe khách trong thành phố Rostov.
Thì ra, theo hồ sơ lưu trữ thì nghi phạm này còn có nhiều tiền sự khác, cũng như cơ quan điều tra đã đặt dấu hỏi về quá khứ đáng ngờ của Chikatilo, nhưng vẫn chưa đủ chứng cứ buộc hắn tội giết người theo luật định. Về phần mình, Chikatilo nhanh chóng thừa nhận các tội trước kia hòng lấp liếm tội ác chính. Rốt cục hắn bị kết án 1 năm tù, tới cuối năm 1984 được ân giảm sau khi mới ngồi tù 3 tháng.
Nằm im vài tháng, tháng 8/1985 Chikatilo lại ra tay sát hại hai phụ nữ nhưng bất thành. Đến tháng 5/1987, một chàng trai đã trở thành nạn nhân của hắn. Rút kinh nghiệm để tránh bị các lực lượng tuần tra phát hiện, Chikatilo chỉ gây án tại những nơi xa chỗ cư ngụ. Cụ thể là ở Zaporozie (tháng 7/1987), Leningrad (9/1987), Krasni-Sulin (4/1988)... Năm 1988, có 8 nạn nhân bị hắn giết hại, năm 1990 là 9 nạn nhân (7 nam và 2 nữ). Việc khám phá ra một thi thể gần nhà ga Leskoz khiến mọi người càng nâng cao cảnh giác. Ngày 6/11/1990, Chikatilo vừa gây tội ác với một nữ nạn nhân tên là Sveta Korostik và chạm trán với cảnh sát tuần tra. Hết đường chối cãi, hắn buộc phải cúi đầu nhận tội đã sát hại 52 người từ năm 1978 đến 1990; hắn còn khai đã từng “uống máu và ăn thịt nạn nhân sau khi họ tắt thở" (!).
Phiên tòa xét xử vụ giết người hàng loạt được mở vào ngày 14/4/1992. Hung thủ Andrei Chikatilo bị đề nghị tới 52 án tử hình - tương ứng với tổng số nạn nhân thiệt mạng. Án tử hình Chikatilo đã được thực thi ngay sau đó tại nhà tù trung tâm ở Moskva.
Qua vụ này, giới điều tra hình sự Nga nêu ra hai điểm yếu của cơ quan chức năng khiến hung thủ mặc sức lộng hành suốt một thời gian dài. Đó là, sự chủ quan lơ là của các ngành chức năng; kế đến là sự phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều đặc biệt đáng nói thêm nữa về mặt "lỗ hổng nghiệp vụ", rằng cá nhân Andrei Chikatilo có thành phần sinh học cơ thể hết sức hy hữu. Cấu trúc ADN trong máu hắn lại không trùng lặp với cấu trúc ở tinh trùng, do vậy tuy đã tóm được nghi phạm nhưng rồi buộc phải thả ra vì thiếu bằng chứng thuyết phục nhất.
Hiện khoa học vẫn còn trong vòng tranh cãi không ngớt, rằng tỉ lệ số người có cấu trúc ADN tương tự như trường hợp của A.Chikatilo là bao nhiêu - một phần chục triệu hay một phần trăm triệu? Vụ án đã khép lại, nhưng câu hỏi về mặt kỹ thuật nghiệp vụ vẫn còn đó...
Nguồn: chapcathegioi.com