Huyền Thoại Albert Henry DeSalvo (hay The Boston Strangler)


Từ 14/6/1962 đến 4/1/1964 đã có 13 phụ nữ bị giết hại tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ). Cảnh sát và một bộ phận dân chúng tin rằng có nhiều thủ phạm trong các vụ án mạng trên. Những người khác lại nghĩ đến một con quỷ thú tính hay một kẻ điên nguy hiểm đang ẩn náu, đi lang thang trên những con phố.

Ngày 14/6/1962, gần 200.000 người dân Boston đang tưng bừng chào đón Alan Shepard, phi hành gia đầu tiên của Mỹ bay vào vũ trụ vừa trở về Trái đất. Anna Slesers là một phụ nữ 56 tuổi, dáng người nhỏ nhắn với mái tóc nâu, sống trong khu nhà xây bằng gạch đỏ dành cho những người có thu nhập thấp (chủ yếu là sinh viên và những người về hưu) thuê. Bà sống ở tầng 3 của khu nhà. 

Tối hôm đó, Anna ăn tối xong và đi tắm trước khi cậu con trai đến rủ bà đi nhà thờ. Bà vừa tắm vừa nghe nhạc cổ điển. Gần 19h, cậu con trai Juris Slesers gõ cửa nhưng không ai trả lời. Cánh cửa đóng im ỉm. Juris tiếp tục gõ cửa và tưởng tượng rằng, có thể mẹ anh đang nghe nhạc quá to, cũng có thể bà bị ốm hoặc ngất xỉu. Một lúc sau, cảm thấy thực sự lo lắng, anh đạp tung cánh cửa nhà mẹ.

Căn phòng tối om, chỉ có chút ánh sáng ở phòng bếp. Juris lặng lẽ tiến vào căn bếp. Ví tiền của bà Anna bị mở tung và mọi thứ trong đó rơi vương vãi dưới sàn nhà. Sọt giấy trong bếp bị lục lọi và rác rưởi tung toé xung quanh. Những ngăn kéo tủ bếp cũng mở toang và chẳng còn gì trong đó. Tuy nhiên, phòng khách lại rất sạch sẽ, không thứ gì bị đảo lộn. Rồi Juris vào phòng tắm và chết điếng khi phát hiện mẹ mình nằm dài trước bồn tắm, dây của chiếc áo choàng (khoác sau khi tắm) quấn quanh cổ bà. Juris lập tức báo cảnh sát rằng mẹ anh tự sát.

Các nhân viên điều tra James Mellon và John Driscoll nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Trước mắt họ là cảnh tượng xác bà Anna Slesers được phủ bởi chiếc áo choàng. Đầu nạn nhân hướng về phía cửa phòng tắm, chân trái duỗi thẳng, còn chân phải gập lại bên cạnh sườn. Sợi dây đai màu xanh của chiếc áo choàng thít chặt quanh cổ và một nút thắt lớn ngay dưới cằm bà Anna. Chiếc máy quay đĩa vẫn y nguyên như khi đang chạy nhưng bộ tăng âm đã tắt. 

Gần thi thể nạn nhân, họ tìm thấy vài thứ linh tinh: những que diêm, 1 cuốn sổ, bao thuốc lá và một chiếc bút máy. Chiếc đồng hồ bằng vàng và đồ trang sức bằng bạc đều không bị đánh cắp. Cảnh sát nhanh chóng phát hiện bà Anna Slesers đã bị thắt cổ bằng sợi dây áo choàng chứ không hề tự sát. Bà đã bị xâm hại tình dục, bằng một vật gì đó.

Việc mổ tử thi để khám nghiệm cho thấy nạn nhân đã bị đánh mạnh vào đầu trước khi bị bóp cổ. Các nhà điều tra biết được rằng bà Anna rất sùng đạo, sống gần gũi với hai người con, làm việc vất vả và yêu thích nhạc cổ điển. Tuy nhiên, bà lại có cuộc sống khá kín đáo và rất ít bạn bè. Chỉ có một người đàn ông duy nhất trong cuộc đời bà, đó chính là cậu con trai Juris.

Họ đưa ra giả thuyết rằng có một người đàn ông đã đột nhập vào nhà bà Anna với mục đích trộm cắp, nhưng khi thấy bà, hắn lại bị ham muốn tình dục chi phối. Sau khi thoả mãn thú tính, hắn bèn giết chết nạn nhân để tránh bị phát hiện và bị bắt.

Tuy nhiên, họ lại không giải thích được làm cách nào thủ phạm có thể đột nhập vào căn hộ của nạn nhân mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Bà Slesers, một phụ nữ kín đáo chắc chắn không thể mở cửa đón tiếp một người không quen biết khi mà trên người chỉ mặc áo choàng tắm. Và, nếu giả thuyết kẻ tấn công lúc đầu đột nhập vào nhà để ăn trộm thì tại sao hắn lại không lấy đi chiếc đồng hồ bằng vàng và các món đồ trang sức khác? Có vẻ như hắn đã quan sát nạn nhân rất lâu trước khi đột nhập vào căn hộ của bà.

Nhưng cũng có thể hắn điên tiết vì không tìm được thứ gì trong nhà nên đã ra tay giết chết bà Anna. Các nhà điều tra không tìm được manh mối nào, cũng không có ai trong khu vực nhìn thấy người đàn ông lạ mặt nào lảng vảng quanh khu nhà vào thời điểm trước và sau khi xảy ra án mạng.

Hai tuần sau đó, trong một khu nhà ở Newhall Street, người phụ nữ có tên Helen Blake, nữ y tá về hưu, 65 tuổi, khoác trên mình bộ pyjama, ra mở cửa khi nghe tiếng gõ. Sau đó, người ta phát hiện thi thể của bà vào ngày 2/7/1962 trong tình trạng trần truồng, nằm dài trên giường, hai chân dang rộng. Bà cũng bị thắt cổ. Chiếc áo nịt ngực của bà Helen được hung thủ quấn quanh cổ và thắt nút lại ở dưới cằm.

Nạn nhân cũng bị xâm hại tình dục bằng một vật gì đó chứ hung thủ không cưỡng hiếp bà một cách thực sự. Không hề có tinh dịch trong âm đạo của nạn nhân nhưng người ta thấy chúng trên đùi bà Helen. Căn hộ nơi nạn nhân sống bị xáo trộn nhiều thứ, nhưng tiền và đồ trang sức thì vẫn còn nguyên, có vẻ như kẻ sát nhân kia không hề động đến chúng.

Cùng ngày, một nạn nhân khác cũng được phát hiện. Đó là bà Nina Nichols, 68 tuổi, bị giết trong căn hộ nằm trên đại lộ Commonwealth ở Boston. Bà Nina là chuyên gia về liệu pháp vật lý, đã về hưu, rất yêu thích nhạc cổ điển và nhiếp ảnh, có cuộc sống khá trầm lặng. Bà đã ly dị từ 23 năm trước và ông anh rể là người đàn ông duy nhất mà bà hay tiếp xúc.

Căn hộ của bà Nina cũng có vẻ như bị trộm đột nhập, các ngăn tủ mở toang, những thứ để trong đó vương vãi dưới sàn nhà, giống như một cơn lốc vừa quét qua khu vực này. Tuy nhiên, một trong những ngăn tủ vẫn còn chứa những món đồ bằng bạc và tiền của bà Nina. 
Kẻ sát nhân không hề chú ý gì đến chiếc máy ảnh đắt tiền cũng như chiếc đồng hồ tuyệt đẹp trên tay nạn nhân. Ngược lại, hắn có vẻ đã lướt qua cuốn sổ danh bạ cùng lá thư và xé quyển album ảnh của bà Nina rồi vứt vài trang xuống sàn nhà. Không có thứ gì trong nhà bị đánh cắp và cũng không có dấu vết bẻ khoá.

Thi thể bà Nina được phát hiện ở dưới sàn phòng ngủ, được che đậy bằng một chiếc áo liền quần. Hai chân nạn nhân dang rộng, chiếc váy ngủ bị xé toạc. Hai chiếc tất chân quấn quanh cổ bà Nina, với một nút thắt lớn. Bà bị xâm hại tình dục dã man bằng một chiếc chai đến nỗi chảy máu. Khám nghiệm pháp y cho biết bà bị sát hại vào khoảng 17h.

Cảnh sát trưởng thành phố Boston, Edmund McNamara tỏ ra rất lúng túng khi mà trong một ngày, có tới 2 phụ nữ lớn tuổi bị sát hại. Sự lo lắng bao trùm cả thành phố Boston. Ông ra lệnh cho tất cả nhân viên cảnh sát phải hoãn nghỉ phép để tập trung điều tra những vụ giết người bí ẩn này. Đối với những phụ nữ trong thành phố, ông khuyên họ nên đóng cửa thật kỹ và cẩn trọng với những kẻ lạ mặt.

McNamara cũng đề nghị Cục điều tra liên bang (FBI), nơi trước đây ông đã làm việc, tổ chức một cuộc hội thảo giúp hơn 50 thám tử hiểu hơn về các loại tội phạm tình dục.Sau đó, họ bắt tay vào việc điều tra những kẻ đã có tiền án, tiền sự về tội hiếp dâm và có hành vi bạo lực vừa được thả tự do.

Sau nhiều ngày điều tra, cảnh sát cho rằng thủ phạm là một người đàn ông trẻ tuổi, bị bệnh tâm thần và hắn sát hại 3 người phụ nữ nói trên bởi hắn rất căn thù mẹ của mình. Hắn có thể là một kẻ độc thân, chỉ sống cùng bà mẹ và cũng có thể bị đồng tính.

Ngày 19/8/1962, nạn nhân thứ tư được phát hiện. Đó là bà Ida Irga, 75 tuổi, một goá phụ gốc Nga, sống khép kín. Thi thể của bà được phát hiện sau khi bị giết 2 ngày tại căn hộ riêng ở 7 Grove Street, phía tây thành phố Boston. Khi được phát hiện, nạn nhân nằm dưới sàn của phòng khách, chiếc váy đã bị xé toạc để lộ thân thể trần truồng. Chiếc vỏ gối màu trắng thít chặt quanh cổ bà Ida. Hai chân nạn nhân dang rộng và bị cột chặt vào hai chiếc ghế để gần đó. Mông nạn nhân được kê bằng một chiếc gối.

Đó là cảnh tượng kinh khủng nhất mà các nhà điều tra phải chứng kiến. Hơn thế nữa, hung thủ lại cố tình để thi thể nạn nhân đối diện với cửa ra vào của căn hộ, khiến bất kỳ ai khi vừa bước vào nhà đã nhìn thấy ngay. Có vài vết máu khô trên đầu, miệng và tai của nạn nhân. Bà Ida đã bị xâm hại tình dục bằng một vật cứng. Căn hộ bị lục tung nhưng không mất thứ gì.

Chưa đầy 24h sau khi phát hiện thi thể bà Ida Irga, Jane Sullivan, nữ y tá 67 tuổi cũng bị sát hại ngay trong căn hộ của bà ở ở hộ số 435, đường Columbia, thị trấn Dorchester, phía nam thành phố Boston. Nhưng tới 10 ngày sau (tức ngày 30/8), người cháu mới phát hiện xác bà. Bà Jane Sullivan theo đạo thiên chúa, sống một mình và là người khá cẩn trọng.

Đến lúc này, nỗi kinh hoàng đã bao trùm khắp thành phố Boston. Báo chí liên tục đưa tin về các vụ giết người và đặt cho thủ phạm biệt danh là “Kẻ thắt cổ điên khùng” hay “Kẻ giết người trong đêm”, thậm chí là “Con ma thắt cổ”.

Sự sợ hãi khiến người dân Boston cảnh giác cao độ, bất kỳ ai có hành vi khác thường đều bị nghi là kẻ sát nhân máu lạnh, thậm chí những nhân viên bưu điện hay người ghi công tơ điện cũng không được tiếp đón. Nhiều phụ nữ đã mua những chú chó để trông nhà, trang bị thêm then chài cửa và chốt cửa sổ, làm rào chắn ở mọi lối vào căn nhà và giấu vũ khí dưới giường ngủ. Cảnh sát cũng nỗ lực hơn trong việc truy tìm hung thủ.

Họ lập ra một đội phản ứng nhanh gồm 5 người được chọn lọc kỹ càng với các tiêu chí như: khả năng chiến đấu, kỹ năng sử dụng súng và hiểu biết về các phương pháp nghiên cứu khoa học hình sự. Nhóm 5 người này được giao nhiệm vụ tuần tra bí mật khắp thành phố vào ban đêm. Các nhà điều tra đã mất rất nhiều thời gian để liên kết các vụ án mạng lại với nhau và tìm được điểm chung giữa các nạn nhân: họ đều thích nhạc cổ điển và đa số có mối liên hệ với trung tâm y tế.

Đội phản ứng nhanh bắt đầu tìm kiếm hung thủ tại các phòng hoà nhạc hay các bệnh viện. Cảnh sát và các bác sĩ tâm thần ngồi lại với nhau để dựng lên chân dung của kẻ giết người. Các bác sĩ tâm thần cho rằng hắn không phải là kẻ điên nhưng có thể có vài vấn đề về tâm lý.

Trong vòng 3 tháng sau đó, không có vụ án mạng tương tự nào xảy ra tại thành phố Boston và người ta hy vọng rằng kẻ giết người sẽ không bao giờ ra tay nữa, có thể hắn đã sợ hãi trước những nỗ lực từ phía cảnh sát hoặc có thể hắn đã hoàn toàn chìm đắm trong điên loạn.

Các nhà điều tra có thời gian để xem xét lại mọi vấn đề và lên danh sách những kẻ tình nghi. Tuy nhiên, những nỗ lực đó cũng không mang lại kết quả nào. Một loạt vụ án mạng mới có thể sắp tái diễn.

Và không ngoài dự đoán, ngày 5/12/1962, Sophie Clark, một cô gái trẻ người Mỹ gốc Phi 21 tuổi, sinh viên Học viện Y tế cộng đồng Carnegie được phát hiện chết trong căn hộ mà cô thuê chung cùng người bạn gái tại 315 Huntngton Avenue, không xa khu nhà nơi nạn nhân Anna Slesers bị giết hồi tháng 9.

Thi thể của Sophie Clark được phát hiện dưới sàn nhà trong tình trạng trần truồng, hai chân dang rộng. Cô gái bị siết cổ rất chặt bằng hai chiếc tất chân.

Cô gái bị hãm hiếp và người ta tìm thấy tinh trùng ở dưới thảm trải nhà, giữa hai chân nạn nhân. Kẻ giết người đã lục tung căn hộ, mở các ngăn tủ và lục lọi bộ sưu tập đĩa nhạc cổ điển cùng cuốn album ảnh của Sophie. Nhưng cửa ra vào lại không có dấu hiệu bị cạy phá. Trong khi đó, Sophie Clark là cô gái khá cẩn trọng, các cánh cửa đều dùng 2 lớp khoá. Cô cũng có thói quen hỏi tên khách trước khi mở cửa cho họ vào. Tuy nhiên, kẻ sát nhân dường như đã thuyết phục được cô gái để hắn vào nhà.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với các vụ giết người nhằm vào những phụ nữ lớn tuổi trước đó nhưng vụ sát hại cô gái trẻ Sophie Clark vẫn có vài điểm khác biệt. Sophie là cô gái trẻ, da đen và không sống một mình. Hơn nữa, ngay lần đầu tiên gặp mặt, kẻ giết người đã hãm hiếp nạn nhân.

Khi cảnh sát lấy lời khai của những người hàng xóm của Sophie, bà Marcella Lulka cho biết khoảng 14h20 ngày 5/12, có một người đàn ông gõ cửa nhà bà và nói với bà rằng chủ khu nhà cử anh ta đến sơn cửa căn hộ nhà bà. Bà Marcella đã cho người đàn ông đó vào nhà. 

Sau đó anh ta nói rằng mình phải sửa chữa trần nhà tắm và không quên bình phẩm về thân hình của gia chủ: “Bà có nghĩ rằng mình sẽ trở thành người mẫu hay không?”. Bà nói nhỏ: “Chồng tôi đang ngủ ở phòng bên đó”. Người đàn ông lập tức trả lời rằng anh ta phải đi xem xét các căn hộ khác và đi luôn. Bà Marcella cho biết người đàn ông đó khoảng 25 đến 30 tuổi, chiều cao trung bình, mái tóc “màu mật ong”, mặc bộ vest màu tối và chiếc quần màu xanh. Từ lời kể của bà Marcella Lulka, cảnh sát cho rằng người đàn ông đó chính là kẻ sát nhân hàng loạt nhưng lại mô tả hắn có mái tóc màu đen.

Trong khoảng từ cuối tháng 12/1962 đến tháng 5/1963, có thêm 2 cô gái trẻ, đều 23 tuổi bị giết hại. Đó là Patricia Bissette, một nữ thư ký và Beverly Samans.Đến lúc này, cảnh sát bắt đầu thấy tuyệt vọng. Trong khi đó, dân chúng ngày càng phẫn nộ trước hoạt động kém hiệu quả của cảnh sát. Cảnh sát trưởng McNamara lập tức cho kiểm tra hơn 5000 kẻ phạm tội về tình dục, lấy lời khai của hàng nghìn người và thẩm vấn hơn 400 kẻ tình nghi nhưng không tìm ra chút manh mối nào về kẻ giết người.

Ngày 8/9/1963, có thêm một nạn nhân nữa bị sát hại, đó là bà Evelyn Corbin, một công nhân 58 tuổi, sống ở căn hộ 224, đường Lafaytette. Thi thể bà nằm dài trên giường, chiếc áo ngủ bị xé rách. Nạn nhân bị siết cổ bằng những chiếc tất chân và có các nút thắt lớn giống như các nạn nhân trước. Kẻ giết người đã hãm hiếp bà Corbin và cắn nhiều nhát trên người nạn nhân. Căn hộ cũng bị lục tung, một ngăn tủ bị mở và chiếc túi xách tay cùng áo nịt ngực của nạn nhân vứt dưới sàn nhà, ngay cạnh giường ngủ.

Đến ngày 25/11/1963, trong khi dân chúng thành Boston vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ ám sát tổng thống John F.Kennedy 3 ngày trước đó thì người ta lại phát hiện thêm một nạn nhân mới.

Một ngày sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát, khi hầu hết người dân Mỹ đang dán mắt vào màn hình vô tuyến để đón xem những tin tức xung quanh vụ án này thì Joann Graff đã bị một kẻ lạ mặt tấn công, hãm hiếp và giết hại ngay trong căn hộ số 54, đường Essex, thị trấn Lawrence, cách Boston 40km về phía bắc.

Chiếc áo sơmi được kéo cao tới tận cổ, còn đôi tất chân và chiếc áo chẽn quấn quanh cổ nạn nhân. Mỗi chiếc lại có một nút thắt khác nhau. Quần lót của nạn nhân rơi xuống sàn nhà còn áo nịt ngực bị xé rách. Bác sĩ pháp y cho biết có vài vết cắn trên ngực nạn nhân.

Cảnh sát tiến hành lấy lời khai của những người hàng xóm của Joan Graff. Họ đặc biệt chú ý tới lời khai của một nam sinh viên sống ở căn hộ ngay bên trên căn hộ của nạn nhân. Anh này cho biết, lúc 15h25 cùng ngày, anh có nghe thấy nhiều tiếng bước chân ở hành lang. Có ai đó gõ cửa căn phòng đối diện phòng của anh và khi anh mở cửa ra xem thì thấy một thanh niên khoảng 27, 28 tuổi, mái tóc khá dày, mặc quần áo lao động màu xanh. 

Người đàn ông hỏi anh có phải cô Joan sống ở căn hộ đó không. Anh sinh viên trả lời cô Joan ở căn hộ tầng trên. Sau đó, anh nghe thấy tiếng mở cửa ở căn hộ của Joan. Anh nghĩ rằng cô hàng xóm tầng trên quen biết người đàn ông đó và không mảy may nghi ngờ gì nên đóng cửa phòng mình lại. 10 phút sau, có tiếng chuông điện thoại ở căn hộ Joan nhưng không ai nhấc máy. Thực ra, lúc đó cô đã bị sát hại. Tuy nhiên, cái chết của cô gái không tác động nhiều đến dư luận thành phố Boston bởi lúc này, họ đang bận quan tâm đến vụ ám sát tổng thống Kennedy.

Gần 1 tháng sau, ngày 4/1/1964, hai phụ nữ trở về căn hộ của họ ở số 44A, đường Charles, thuộc khu Back Bay sau khi hết giờ làm việc. Hai người kinh hoàng khi thấy cô bạn gái, Mary Sullivan, nữ thư ký 19 tuổi, vừa mới chuyển đến sống cùng họ cách đây 3 hôm, bị sát hại.

Kẻ giết người đã dùng tay bóp cổ nạn nhân. Một chiếc tất thít chặt quanh cổ Mary. Một chiếc khăn quàng bằng vải xoa màu hồng được thắt nút lớn ngay dưới cằm nạn nhân. Bên trên còn có một chiếc khăn màu hồng, trắng khác. Kẻ giết người đặt dưới chân nạn nhân một tấm thiệp chúc mừng năm mới.

Cô gái chết trong tư thế ngồi trên giường, tựa lưng vào thành giường, đầu gục xuống giữa hai đùi, đầu gối để cao và dang rộng. Người ta tìm thấy một vệt tinh trùng chảy từ miệng nạn nhân xuống đến ngực. Căn phòng có dấu hiệu bị lục lọi, các cánh tủ mở và mọi thứ vứt tung toé dưới sàn nhà.

Ngày 17/1/1964, thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Edward Brooke tuyên bố ông sẽ chi rất nhiều tiền để phục vụ cho cuộc điều tra nhằm tìm ra kẻ giết người gây kinh hoàng khắp thành phố Boston nói riêng và bang Massachusetts nói chung. Với ông, đây là ưu tiên số 1.

Ông Brooke quyết định thành lập một đội điều tra đặc biệt để phối hợp hoạt động với các sở cảnh sát. Ông yêu cầu đội điều tra này phải tuyệt đối “kín mồm kín miệng” trước báo giới. Người đứng đầu đội điều tra (có tên là “Đơn vị đặc nhiệm truy lùng và phát hiện tội ác”) là bạn thân của thượng nghị sĩ Brooke, đồng thời là trợ tá của ông, John S.Bottomly. Lúc này, vai trò của cảnh sát trưởng thành phố Boston McNamara trở nên mờ nhạt hoàn toàn.

Việc chọn lựa Bottomly là người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm của thượng nghị sĩ Brooke đã vấp phải sự phản đối quyết liệt bởi Bottomly là người thiếu kinh nghiệm về luật hình sự. Tuy nhiên, những người ủng hộ Bottomly lại khẳng định ông là người trung thực và rất dễ mến. Còn McNamara thì không đánh giá cao Bottomly.

Đội điều tra của Bottomly gồm điều tra viên Phillip DiNatale, cảnh sát thành phố Boston; cảnh sát đặc nhiệm James Mellon; Stephen Delaney, sĩ quan cảnh sát đến từ thủ đô Washington và đại uý cảnh sát bang Massachusetts, Andrew Tuney. Bác sĩ Donald Kenefick được giao đứng đầu ban tư vấn y học – tân thần học gồm nhiều chuyên gia, phụ trách việc dựng chân dung của giết người.

Để bắt đầu công việc, đơn vị đặc nhiệm phải xem xét, phân loại 37.000 trang báo cáo của các sở cảnh sát về các vụ án có liên quan đến 2.300 kẻ tình nghi đã bị thẩm vấn.Thống đốc bang Massachusetts, Peabody tuyên bố thưởng 10.000 USD cho người nào cung cấp thông tin giúp bắt giữ và kết án kẻ đã gây ra cái chết của 11 nạn nhân.

Theo gợi ý của Bottomly, thượng nghị sĩ Brooke đã đồng ý để Peter Hurkos, chuyên gia về tâm linh nổi tiếng người Hà Lan tham gia đơn vị đặc nhiệm.

Một nhà doanh nghiệp giấu tên đồng ý chi tiền để trang trải cho mọi chi phí cá nhân của Hurkos. Hurkos có nhiệm vụ nhận diện bằng được một kẻ tình nghi trong số những kẻ mà đơn vị đặc nhiệm từng thẩm vấn. Và ông ta đã chỉ cho họ một kẻ tình nghi. Đó là một người bán giầy 57 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần.

Theo luật pháp của bang Massachusetts, kẻ tình nghi này được đưa đến một bệnh viện tâm thần để kiểm tra và thẩm vấn. Tuy nhiên, một sự việc ngoài dự tính đã xảy ra. Ngày 5/2/1964, Hurkos bí mật rời Boston và 3 ngày sau đó, sự hợp tác giữa ông ta với cảnh sát phải chấm dứt khi Hurkos bị cáo buộc sử dụng trái phép chứng minh nhân dân của một nhân viên FBI vào tháng 12/1963 và bị bắt.

Trong khi đó, các cuộc kiểm tra tâm thần và thẩm vấn người bán giầy không giúp các nhà điều tra có được bằng chứng nào để liên hệ ông ta với các vụ giết người ở Boston. Họ buộc phải thả tự do cho người này sau 10 ngày giam giữ.

Lúc này, các chuyên gia của ban cố vấn y học – tâm thần học của bác sĩ Donald Kenefick đã nhận thấy những khác biệt lớn giữa các vụ giết hại những phụ nữ lớn tuổi và những cô gái trẻ. Họ nghĩ rằng không thể có một kẻ giết người duy nhất gây ra hoàng loạt các vụ án mạng đó mà phải là 2 hoặc hơn thế nữa với thủ đoạn tương tự nhau.

Bác sĩ Kenefick giải thích rằng, kẻ giết các phụ nữ lớn tuổi là một người đàn ông khoảng 30 đến 40 tuổi. “Hắn ta khá sạch sẽ, khá ngăn nắp và rất đúng giờ. Hắn làm công việc lao động chân tay hoặc ít nhất cũng thích những công việc chân tay. Chắc chắn hắn sống độc thân, đã ly thân hoặc ly dị. Hắn không hề bị điên, không có bạn bè thân thiết. Và hắn là người gốc Bắc Âu”.

Các chuyên gia tâm thần học thì cho rằng “Sát thủ bóp cổ” chỉ giết những phụ nữ lớn tuổi, còn những cô gái trẻ bị giết bởi một kẻ bóp cổ khác hoặc bởi chính những người thân quanh họ.

Chỉ có một chuyên gia tâm thần học duy nhất có quan điểm trái ngược với các đồng nghiệp. Đó là bác sĩ James Brussels. Ông Brussels cho rằng chỉ có một kẻ giết người duy nhất trong hàng loạt vụ án mạng ở Boston. Theo ông, “sát nhân bóp cổ” là kẻ bị rối loạn tâm thần hoang tưởng. Đó là một người đàn ông cơ bắp với chiều cao trung bình, khoảng 30 tuổi, mặt mày nhẵn nhụi (không có râu), mái tóc dày được chải chuốt kỹ lưỡng, người gốc Méditerané (có thể là người Ý hoặc Tây Ban Nha) và độc thân.

Tuy nhiên, ban cố vấn của bác sĩ Donald Kenefick tỏ ra khá thờ ơ với những ý kiến của bác sĩ Brussel.

Phía cảnh sát lúc này cho rằng họ ít có hy vọng tìm thấy kẻ sát nhân bóp cổ. Nhưng các nhà điều tra vẫn tiếp tục thẩm vấn những kẻ tình nghi, phần lớn là những kẻ xâm hại tình dục với hy vọng có thể bắt giữ được hung thủ trước khi hắn lại ra tay với các nạn nhân khác.

Lúc này, người ta đặt cho kẻ sát nhân biệt danh “Người đàn ông mặc áo xanh” bởi hắn thường mặc bộ quần áo lao động màu xanh và tự giới thiệu là công nhân sửa chữa nhà. Khá ngăn nắp và lịch thiệp, hắn luôn xin lỗi các nạn nhân về những hành động của mình và thỉnh thoảng tránh ra xa để không động chạm vào người họ.

Tháng 3/1964 là thời điểm bắt đầu của một loạt các vụ tấn công và xâm hại mới ở bang Massachusetts, Connecticut, New Hampshire và Rhode Island. 25 lá đơn được gửi tới các sở cảnh sát trong vòng chưa tới 8 tháng, còn kẻ sát nhân thì vẫn bặt vô âm tín.

Trước đó, ngày 27/10, một người đàn ông lạ mặt đã đột nhập vào nhà của một phụ nữ trẻ, sau khi chồng cô này đi làm. Người phụ nữ đang dùng bữa sáng ngay trên giường ngủ bỗng giật thót mình vì sự xuất hiện của người đàn ông lạ mặt trong phòng. Hắn gí dao vào người cô và nói: “Im lặng, nếu không tao sẽ giết”. Hắn lột quần áo cô ra, cột cô vào thành giường bằng chiếc áo pyjama của anh chồng, hai chân dạng rộng. Hắn hôn cô nhưng không làm gì hơn nữa. Rồi hắn hỏi cô ra khỏi nhà bằng cách nào. 

Hắn còn nói thêm: “Cô phải im lặng trong 10 phút đó”. Cuối cùng, hắn xin lỗi cô và bỏ đi. Người phụ nữ trẻ đã kịp nhớ được khuôn mặt của người đàn ông và giúp cảnh sát phác thảo chân dung hắn. Cảnh sát lập tức bắt giữ hắn và giải về sở cảnh sát, tại đây người phụ nữ khẳng định đó chính là kẻ đã tấn công mình. Hắn là Albert DeSalvo.

Cha mẹ của Albert DeSalvo, ông Frank và bà Charlotte, sinh được 6 người con. Bà Charlotte lớn lên trong một gia đình người Mỹ đáng kính, kết hôn khi mới 15 tuổi. Còn ông Frank từng làm nhiều công việc khác nhau như lính cứu hoả, thợ đặt ống nước, nông dân. Ông là người nghiện rượu, mỗi khi say xỉn lại đánh đập vợ con và nhiều lần bị bắt giam vì những hành vi bạo lực. Ông từng bán Albert và 2 chị gái của hắn cho một chủ trang trại ở Maine để lấy 9 USD nhưng sau đó bà Charlotte đã chuộc các con về.

Gia đình DeSalvo vốn đã nghèo khó, lại thêm chứng nghiện rượu của ông Frank nên ngày càng túng quẫn. Những đứa con thường xuyên bị đói. Cuộc sống của chúng chỉ thoải mái khi người cha vào tù.

Albert trở thành tội phạm từ khi còn rất trẻ, chính ông Frank đã dạy hắn trộm cắp từ khi con trai mới lên 5 tuổi. Ông còn dẫn gái điếm về nhà và muốn các con chứng kiến cảnh ông làm tình với họ. Sex có mặt khắp nơi trong căn nhà nhỏ của gia đình DeSalvo.

Sống bên người cha truỵ lạc đó, Albert đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Từ khi 8 tuổi, hắn đã có quan hệ tình dục với các cô gái và cả những phụ nữ lớn tuổi, thậm chí còn quan hệ đồng tính (có trả tiền). Từ đó, hắn không thể ngăn được nhu cầu tình dục ngày càng lớn của mình và thường xuyên quan hệ.
Trong suốt thời niên thiếu, Albert đã nhiều lần bị bắt vì tội tấn công và gây thương tích. Năm 12 tuổi, hắn bị đưa đi trại giáo dưỡng vì tội ăn trộm nhưng với Albert, đó lại là nơi lý tưởng với hắn: “Thực tế, ở đó, tôi đã học được tất cả những kiểu loạn dâm mà ít ai có thể tưởng tượng nổi”.

Sau khi được tự do, hắn lại tiếp tục trộm cắp nhưng không bị bắt giữ. Hắn cảm thấy bị kích thích tình dục mỗi khi đột nhập vào nhà dân, chủ yếu là vào phòng của phụ nữ. Đó có thể chính là khởi đầu cho những vụ giết người bóp cổ dã man nhằm vào phụ nữ của Albert DeSalvo sau này.

Trong trại tạm giam, Albert DeSalvo nhanh chóng thú nhận đã đột nhập gần 400 căn hộ và hãm hiếp nhiều nạn nhân. Hắn đã tấn công hơn 300 phụ nữ ở 4 bang khác nhau của nước Mỹ. Những con số hắn đưa ra không được chứng thực nhưng thực tế có rất nhiều phụ nữ bị tấn công nhưng không báo cảnh sát. Khi trả lời thẩm vấn, DeSalvo nói với một cảnh sát rằng: “Nếu các ông biết được toàn bộ câu chuyện, chắc các ông sẽ không tin được đâu”.

Tháng 11/1964, DeSalvo nói với luật sư của mình rằng hắn muốn “kể cho ông nghe vài điều khủng khiếp”. Hắn khẳng định mình chính là "Kẻ sát nhân bóp cổ ở Boston" nhưng vị luật sư lại không tin điều đó.

DeSalvo được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tâm thần và được đưa đến bệnh viện Bridgewater của bang Massachusetts đề điều trị. Tại đây, bác sĩ khẳng định DeSalvo phải chịu “những rối loạn về nhân cách, sự lệch lạc về tình dục với sự gia tăng của chứng tâm thần phân liệt”. Tuy nhiên, hắn vẫn phải bị đưa ra xét xử. Do đó, Albert DeSalvo được chuyển tới nhà tù East Cambridge. Người ta thực sự không nghĩ rằng hắn có liên quan đến các vụ án mạng ở Boston.

Tại bệnh viện và cả ở trại giam, DeSalvo đều thừa nhận với bạn bè và các tù nhân khác rằng hắn chính là thủ phạm của hàng loạt các vụ giết người ở Boston.
Ngày 4/3/1965, luật sư Bailey đến bệnh viện tâm thần Bridgewater để lấy lời khai của DeSalvo. Hắn thú nhận mình chính là hung thủ đã sát hại 11 nạn nhân (đã được phát hiện trong thời gian từ tháng 2/1962 đến tháng 11/1963). Ngoài ra, hắn còn giết 2 phụ nữ nữa là Mary Browen ở Lawrence vào năm 1963 và 1 phụ nữ chết vì đau tim khi bị hắn tấn công năm 1962. 

DeSalvo giải thích tại sao hắn có thể thoát khỏi bàn tay của cảnh sát và tại sao hắn lại giết hại các nạn nhân. Qua lời kể của DeSalvo, Bailey hiểu rằng hắn luôn thể hiện mình là một chàng trai trẻ dễ mến và lịch sự nhằm lấy được lòng tin của các nạn nhân, sau đó mới lợi dụng sức mạnh của mình siết cổ họ.

Bailey quá đỗi ngạc nhiên với những gì mình nghe được. Ông gọi cho trung uý Donovan và thông báo rằng mình đang có một kẻ tình nghi và muốn hỏi ông Donovan vài câu hỏi đặc biệt để khẳng định xem hắn có phải là kẻ sát nhân bóp cổ hay không.

Về phần mình, các nhà điều tra của đơn vị đặc nhiệm quyết định thẩm vấn DeSalvo: hồ sơ của hắn đã được chuyển cho nhóm điều tra.
Ông Bailey đến gặp DeSalvo một lần nữa vào ngày 6/5/1965. DeSalvo nói cho Bailey biết hôm trước, cảnh sát điều tra DiNatale thuộc đội điều tra của Bottomly đến để lấy dấu vân tay của hắn. Tuy nhiên, hắn cũng khẳng định với ông Bailey rằng: “Tôi không bao giờ để lại một dấu vân tay nào (ở hiện trường cả)”.
Trong thâm tâm ông Bailey luôn muốn giữ lại tình mạng cho thân chủ của mình. Ông hỏi hắn vài câu hỏi mà trung uý Donovan đã đặt ra, đó đều là những câu mà chỉ có hung thủ thực sự của các vụ giết người hang loạt nói trên mới có thể trả lời. DeSalvo trả lời rất chính xác. Sau này, ông Bailey cho biết: “Lúc đó, tôi đã chắc chắn rằng người ngồi đối diện với tôi chính là kẻ sát nhân bóp cổ ở Boston… Hắn có thể nhớ lại được những chi tiết nhỏ nhặt nhất, từ màu sắc của chiếc thảm trải nhà, một chiếc máy ảnh hay tình trạng của đồ đạc trong nhà (các nạn nhân)”…

DeSalvo còn kể cho Bailey nghe chi tiết về hai vụ giết người mà cảnh sát cũng như các phương tiện truyền thông không hề biết. Đó là vụ giết hại bà cụ Mary Mullen, 85 tuổi, nhà ở đại lộ Cômmnwealth. Bà Mullen đã chết ngay trên tay hắn vì đau tim khi bị hắn tấn công vào ngày 28/6/1962. Nạn nhân còn lại là Mary Brown, 69 tuổi, bị hắn đánh đập đến chết, siết cổ trong căn hộ ở thành phố Lawrence vào ngày 9/3/1963. Ngoài ra, DeSalvo còn nhớ lại rất nhiều chi tiết giúp cảnh sát có thể chứng thực các thông tin mà hắn đưa ra.

Bailey tiếp tục trò chuyện với DeSalvo, thuyết phục hắn hợp tác với cảnh sát và trải qua cuộc kiểm tra nói dối. Ông liên hệ với cảnh sát trưởng Boston, McNamara và bác sĩ Ames Robey ở bệnh viện Bridgewater. 

Tuy nhiên, họ không thể làm mọi việc mà không cho người đứng đầu đội điều tra Jonh Bottomly biết. Bottomly chấp nhận yêu cầu của luật sư Bailey rằng ông có thể thẩm vấn DeSalvo và hỏi hắn bất kỳ câu hỏi nào mà ông muốn… nhưng chúng không được sử dụng để làm bằng chứng cáo buộc thân chủ của Bailey trong phiên toà sắp tới.

Các cuộc thẩm vấn của Bottomly với DeSalvo bắt đầu từ 17/8/1965. Ông hỏi hắn rất nhiều thứ, với sự góp mặt của luật sư Bailey, đến tận ngày 29/9/1965. Kết quả mà Bottomly thu được là những cuốn băng ghi âm dài 50 giờ và 200 bản khai chép tay. Chi tiết mỗi lời thú tội của DeSalo đều được kiểm tra lại kỹ càng và chúng thực sự chính xác.

Một số lời khai của DeSalvo được cảnh sát kiểm chứng lại gồm: hắn thấy một quyển sổ tay bỏ túi dưới giường của nạn nhân Beverly Samans, những quả chuông Noel nhỏ xíu gắn trên cửa ra vào căn hộ của Patricia Bissette và khi đó cánh cửa mở ra ngoài. Hắn cũng vẽ lại chính xác bản đồ căn hộ của bà Bissette (và 12 căn hộ của các nạn nhân khác). Hắn tả lại những chiếc nút thắt đặc biệt của kẻ sát nhân bóp cổ. 

Trong vụ giết Anna Slesers, hắn khai đã dùng một chiếc áo măng-tô để bọc chiếc áo sơ mi thấm đầy máu của mình. Các nhà điều tra được biết cô Anna Slesers đã mua 2 chiếc áo măng-tô rất đặc biệt và tặng một chiếc cho co bạn gái. Họ đưa cho DeSalvo xem 15 chiếc áo măng-tô và hắn đã nhận ra chiếc áo đặc biệt của Anna Slesers. Thực tế, toàn bộ lời khai của DeSalvo về hàng chục vụ giết người chỉ có 1 hoặc 2 chi tiết nhầm lẫn, có thể do hắn quên.

Ngoài ra, DeSalvo còn khai với các nhà điều tra về vụ tấn công một cô gái tóc vàng ở khu Jamaica Plain, Boston vào tháng 5/1962. Trong vụ đó, hắn đã thuyết phục được nạn nhân cho vào nhà và khi cô gái quay đi, hắn đã dùng cánh tay vòng qua cổ cô và siết mạnh. 

Nhưng hắn bỗng nhận thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong chiếc gương lớn treo trên tường. Chứng kiến cảnh mình đang giết người, đột nhiên hắn cảm thấy ghê sợ chính mình. Hắn buông cô gái ra và bật khóc. Sau đó hắn xin lỗi cô gái và cầu xin cô đừng báo cảnh sát. DeSalvo nói rằng nếu mẹ hắn biết điều đó, bà sẽ không cho hắn tiền nữa và hắn sẽ dở dang việc học hành. Dường như cảm động trước những lời van xin của DeSalvo, cô gái không báo cảnh sát. Cuối cùng, các thành viên trong đội điều tra đã đưa ra cùng một kết luận với luật sư F.Lee Bailey: DeSalvo chính là kẻ sát nhân bóp cổ ở Boston.

Ngày 10/1/1967, Albert DeSalvo bị đưa ra xét xử. Tại toà, luật sư Bailey đã cố gắng bào chữa cho thân chủ mình. Bailey khẳng định ông không nghi ngờ việc DeSalvo là hung thủ của 13 vụ án mạng ở Boston nhưng đề nghị toà xem xét vấn đề hắn có bị thần kinh hay không. Tuy nhiên, phía công tố viên và cả thẩm phán đều cho rằng thủ phạm đã tìm cách mở khóa các căn hộ và lừa dối để chủ nhà cho phép hắn vào nhà thì không thể là người điên.

Bồi thẩm đoàn đã mất nhiều giờ để thảo luận và cuối cùng đi đến kết luận DeSalvo có tội và tuyên phạt hắn án chung thân.Sau phiên toà, Albert DeSalvo tới thụ án tại nhà tù Walpole. Tháng 11/1973, hắn bất ngờ bị đâm chết ngay tại phòng giam, kết thúc cuộc đời của một sát thủ máu lạnh đã gây ra bao nỗi kinh hoàng cho người dân thành phố Boston.

Vụ Án Kinh Hoàng