Hấp lực ám ảnh công chúng của những kẻ giết người hàng loạt

“Chúng giống như cột thu lôi cho những suy nghĩ đen tối nhất của chúng ta”, một nhà tâm lý học nói về niềm đam mê của con người với những tên sát nhân hàng loạt.

Chân dung tự họa của “Thằng hề giết người” John Wayne Gacy. Ảnh: BBC
Theo BBC, tại thị trấn Pennsburg, đông Pennsylvania, Mỹ có một căn nhà nhỏ với một bộ sưu tập nghệ thuật khó có thể tìm thấy ở bất kỳ thư viện nào. Trên 4 bức tường của một căn phòng ở tầng dưới là tranh vẽ những vết thương, bộ phận thi thể bị đứt rời, đầu lâu đủ mọi hình hài và màu sắc, hay động vật kỳ quái. Nhưng điều đặc biệt của chúng không nằm ở nội dung mà ở nguồn gốc: tất cả đều được vẽ bởi những kẻ giết người hàng loạt.
Đây là nhà của John Schwenk, người chuyên thu thập tranh vẽ và đồ tạo tác của những kẻ giết người tàn bạo. Mặt hàng đáng giá nhất của Schwenk bao gồm một bức chân dung tự họa của John Wayne Gacy, được gọi là “Thằng hề giết người“, kẻ thường đóng làm chú hề để biểu diễn trong các bữa tiệc của trẻ em, đã giết chết ít nhất 33 bé trai và nam thanh thiếu niên ở Chicago trong những năm 1970; một bức tranh vẽ đầu lâu của Richard Ramirez, hay còn gọi là “Kẻ rình rập trong đêm”, chịu trách nhiệm về nhiều vụ giết người và tấn công tình dục ở California năm 1984 và 1985; và một số tranh của Charles Manson, tên cầm đầu băng đảng Gia đình Manson, đã chỉ huy việc giết hại tàn bạo nữ diễn viên đang mang thai Sharon Tate và 6 người khác quanh Los Angeles năm 1969.
Ngoài những tác phẩm này, Schwenk còn sở hữu hàng nghìn lá thư từ những kẻ giết người bị lĩnh án tử hình, nhiều tên trong đó gửi thư riêng cho ông. Chúng gửi cho ông một lọn tóc, một chiếc áo tù, thẻ tên, răng giả, chỉ nha khoa không sử dụng và các vật lạ lùng khác. “Tôi thắc mắc yếu tố gì khiến một người ra tay giết hại người khác, và làm việc đó nhiều lần”, ông nói.
Quan tâm đến tội phạm bệnh hoạn, và đặc biệt là những kẻ giết người hàng loạt, đã trở thành hiện tượng phổ biến trong văn hóa đại chúng. Jack the Ripper, kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất, đã được khai thác bởi hàng trăm tiểu thuyết, truyện tranh, phim và chương trình truyền hình. Những tour du lịch đưa du khách đi xem những địa điểm gây án của hắn ở phía đông London vẫn thu hút rất nhiều người, đặc biệt là vào ban đêm. Các bộ phim truyền hình tội phạm về giết người hàng loạt như True Detective, Dexter, The Fall và The Jinx đã thu hút hàng triệu khán giả.
Tác giả Mỹ chuyên về tội phạm Harold Schechter gọi mối quan tâm của công chúng về chủ đề này là “một hiện tượng kích động văn hóa”. Số vụ án do những kẻ sát nhân hàng loạt gây ra chỉ bằng 1% số vụ giết người ở Mỹ mỗi năm, Scott Bonn, một nhà xã hội học và tội phạm học tại Đại học Drew, Madison, cho biết. Tuy nhiên, niềm “đam mê” của công chúng đã vượt xa lo ngại thực sự về nguy cơ bị những kẻ này tấn công.
Thư của tên sát nhân Charles Manson. Ảnh: BBC

ĐAM MÊ NỖI SỢ

Tại sao chúng ta thích tìm hiểu về những kẻ giết người hàng loạt? “Họ đại diện cho một thứ lạ kỳ, thực sự quái dị, giống như những câu chuyện kinh dị mà bạn được nghe kể từ hồi bé”, James Hoare, biên tập viên của tạp chí Real Crime nói.
“Mọi người đều tin rằng có điều gì đó xấu xa, bẩn thỉu, kinh tởm ở ngoài kia”, Schechter nói và gọi câu chuyện về những kẻ giết người hàng loạt là “truyện cổ tích cho người lớn”. “Có điều gì đó trong thâm tâm chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy cần phải kể những câu chuyện về việc bị truy đuổi bởi những con quái vật”.
Tội ác của kẻ giết người hàng loạt thường ghê gớm và rùng rợn. Nhưng điều thực sự làm cho những kẻ giết người hàng loạt hấp dẫn với công chúng là bộ mặt tỏ ra nhân tính của chúng. Một cuộc điều tra của Ban Phân tích Hành vi thuộc FBI năm 2005 kết luận rằng “những kẻ giết người hàng loạt không phải là quái vật và bên ngoài, họ không có gì bất thường. Họ thường có nhà cửa, gia đình, việc làm, và dường như là một thành viên bình thường của cộng đồng”. Thật vậy, hàng xóm của Fish nói rằng hắn là một người dễ mến, thân thiện với trẻ em, còn “Thằng hề giết người” Gacy thường được ca ngợi vì hay làm từ thiện.
hap-luc-am-anh-cong-chung-cua-nhung-ke-giet-nguoi-hang-loat-2
“Thằng hề giết người” Gacy từng được nhiều người quý mến vì thường làm thiện nguyện. Ảnh: inquisitr
“Hãy nhìn vào Ted Bundy”, nhà xã hội học Bonn nói. “Hắn rất đẹp trai và thành công trong sự nghiệp. Phụ nữ bị hắn ta hấp dẫn, đó là lý do tại sao hắn có thể lừa được 36 người vào trong xe của mình trước khi bắt cóc và giết họ. Hắn trông như một anh chàng hàng xóm thân thiện, và đó là điều đáng sợ nhất, vì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân”, Bonn nói.
Họa sĩ Joe Coleman cũng là người thu thập các đồ vật liên quan đến những tên sát nhân khét tiếng. Trong nhà ông có viên đạn từ khẩu súng đã giết Lee Harvey Oswald, một lọn tóc của Manson, chiếc áo kẻ giết người Elmo Patrick Sonnier đã mặc khi ngồi trên ghế điện. Coleman còn có lá thư mà Albert Fish gửi cho mẹ của Grace Budd, nạn nhân cuối cùng của hắn, trong đó mô tả cách hắn đã sát hại nạn nhân ra sao. 
Tại sao những người như Coleman lại thích sưu tập những vật rùng rợn như vậy? Nhà sử học McCorristine cho rằng việc “đến gần” với tội phạm qua việc sưu tập đồ vật của chúng là cách để trải nghiệm cái chết mà không trở thành nạn nhân, hoặc trở thành nhân chứng cho cái chết và có quyền kiểm soát nó.
Coleman cho rằng cách giải thích này đúng với ông. Ông cho rằng sở hữu một vật của người nào đó – một lọn tóc, thư, hay tranh vẽ – nhắc nhở bạn về những thế lực đen tối có thể khiến con người lạc lối. “Tôi luôn cảm thấy có một phần trong tôi thực sự đen tối”. Coleman nói.
“Khi tôi còn trẻ, tôi từng thử phóng hỏa trường học. Tôi từng làm một số điều tồi tệ”, họa sĩ này nói thêm. Ông cảm thấy thông cảm với thủ phạm, thừa nhận tính người vẫn song hành với ác tâm của họ. Ông muốn thừa nhận rằng “có một phần của họ trong tất cả chúng ta, và một phần của tất cả chúng ta trong họ”.
Một trong những lời giải thích khác cho sự hấp dẫn của những kẻ giết người hàng loạt, là chúng phục vụ một loại chức năng xã hội, cho phép chúng ta “thỏa mãn” những tưởng tượng đầy hận thù nhất của chính chúng ta mà không cần phải gây tội ác. Và khi kẻ giết người bị bắt, chúng ta không cần phải cảm thấy tội lỗi.
“Chúng giống như một liều thuốc hưng phấn cho phần tồi tệ nhất của con người chúng ta, một cột thu lôi cho những suy nghĩ đen tối nhất của chúng ta”, Bonn nói.
“Chúng cho chúng ta cơ hội cảm nhận cái chết từ một khoảng cách xa, cảm giác mấp mé trên bờ vực thẳm mà không rơi xuống”, McCorristine nhận xét.
Theo McCorristine, điều này lý giải vì sao một số người thích xem video hành quyết của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mặc dù sau đó họ có thể hối tiếc. Nó cũng có thể giải thích lý do tại sao người ta luôn đi chậm lại để xem hậu quả của những vụ tai nạn giao thông, ngoái đầu ra để nhìn cảnh tượng thê thảm ở phía bên kia hàng rào.
“Có thể tột cùng thì, người ta muốn được cảm thấy khiếp sợ”, tác giả Michael Bond viết.

Tâm lý học tội phạm